Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Có phải dùng sạc nào cho điện thoại cũng được không?


Có phải dùng sạc nào cho điện thoại cũng được không?
Nếu bạn có smartphone, tablet, máy đọc sách điện tử và laptop, chắc hẳn bạn đã quen với cảnh có quá nhiều sạc ở trong nhà. Vậy, bạn có nên sử dụng cùng một loại sạc cho nhiều thiết bị khác nhau hay không?



Các loại sạc

Trên thị trường thiết bị di động và laptop hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất, song các loại sạc có thể chia làm 3 loại:

- Sạc laptop: Điều không may là không có một "chuẩn" nào dành cho các loại sạc laptop. Bạn phải mua loại sạc dành riêng cho laptop của mình. Các giắc cắm, giắc nối cũng không được chuẩn hóa, do đó trong phần lớn các trường hợp bạn không thể cắm sạc "nhầm" cho laptop của mình được.

- Sạc Lightning của Apple: Apple đã đưa ra "chuẩn" sạc mới dành cho cổng Lightning. Cổng Lightning được Apple ra mắt vào năm 2012 và được sử dụng trên cả iPhone, iPad, iPod Touch và iPod Nano. Tất cả các thiết bị di động mới của Apple đều sử dụng cổng Lightning và do đó nên được sử dụng với các mẫu sạc theo chuẩn Lightning được Apple tự sản xuất hoặc nhượng quyền sản xuất.

Trước đây, Apple sử dụng cổng kết nối 30-chân cho các thiết bị của mình. Hiện nay, Apple cũng đang bán ra một loại cổng chuyển cho phép chuyển cổng Lightning thành cổng 30-chân cũ.

- Sạc microUSB: Phần lớn các mẫu smartphone và tablet Android, smartphone Windows Phone và BlackBerry đều sử dụng chuẩn microUSB. Chuẩn microUSB thay thế cho các chân sạc đi kèm máy trước đây.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Châu Âu về việc chỉ sử dụng cổng microUSB cho các thiết bị di động, Apple cũng bán ra cổng chuyển từ Lightning sang microUSB.

Như vậy, các model laptop khác nhau sẽ sử dụng sạc không tương thích với nhau, trong khi bạn có thể dùng dây nối và sạc Lightning cho tất cả các thiết bị Apple (mặc dù sạc iPad cho cường độ dòng điện lớn hơn sạc iPhone).



Sạc microUSB có thể sạc bất cứ thiết bị microUSB nào?

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu sạc microUSB nào cũng có thể sử dụng với bất kì các thiết bị microUSB khác nhau. Về lý thuyết, sạc và thiết bị microUSB được thiết kế để có thể hoạt động với nhau. Các bộ sạc có thể được tráo đổi, dùng lại hoặc giống hệt nhau nên bạn không cần phải vứt sạc cũ đi sau khi mua máy mới.

Nếu bạn có một thiết bị được trang bị cổng microUSB và một sạc microUSB, bạn có thể cắm máy và sạc ngay lập tức. Bạn cũng có thể dùng cáp chuẩn microUSB để kết nối thiết bị microUSB tới bất cứ chiếc laptop nào để sạc qua cổng USB.



Vấn đề an toàn

Chiếc HP Chromebook 11 sử dụng chip ARM giống như smartphone. Vì vậy, đây cũng là chiếc laptop đầu tiên sử dụng sạc microUSB trong khi các laptop thông thường thì không thể bởi chúng đòi hỏi điện năng cao hơn. Gần đây, Chromebook 11 đã bị rút khỏi kệ hàng sau khi có báo cáo rằng bộ sạc quá nóng và gây hư hại. Một người phát ngôn của HP khuyên "người dùng đã mua HP Chromebook 11 không nên sử dụng sạc gốc. Thay vào đó họ có thể sạc HP Chromebook 11 bằng các bộ sạc microUSB khác, được chứng nhận bởi Underwriters Laboratories như của máy tính bảng hoặc smartphone".

Underwriters Laboratories là một tổ chức thử nghiệm và chứng nhận an toàn độc lập. Nếu nhìn trên bộ sạc microUSB của mình, bạn sẽ thấy logo "UL Listed" trên đó. Điều này có nghĩa là bộ sạc đã được thử nghiệm an toàn nên sẽ không bị nóng hay bốc cháy hoặc gây giật điện.

Trong một số trường hợp, kể cả những bộ sạc được chứng nhận cũng có vấn đề, như một bộ pin lỗi có thể phát hỏa. Bạn không nên dùng những bộ sạc đã bị thu hồi, giống như của HP Chromebook 11.

Những bộ sạc chưa được chứng nhận là một mối lo khác. Bạn không nên sử dụng chúng, cũng như bạn không nên sử dụng những viên pin không phải hàng chính hãng được sản xuất ở Trung Quốc bởi chúng có nguy cơ cháy nổ cao. Tốt nhất, hãy sử dụng sản phẩm sạc của các thương hiệu nổi tiếng.



Điện áp và cường độ

Mọi cổng USB đều cho nguồn điện 5V. Điều này nghĩa là bạn không cần phải lo về điện áp khi cắm sạc vào máy qua microUSB.

Cường độ lại là chuyện khác. Để sạc máy nhanh hơn, các bộ sạc tăng cường độ dòng điện, được tính bằng ampe (kí hiệu A). Nhiều ampe hơn tức là nhiều điện hơn. Thông thường, sạc máy tính bảng Android sẽ cung cấp nhiều ampe hơn sạc của smartphone Android. Ví dụ, sạc tablet có thể cấp cường độ 2A, trong khi sạc smartphone chỉ là 1A.

Trong thực tế, cường độ ghi trên bộ sạc thường chính là mức tối đa. Ví dụ, nếu bạn cắm sạc của smartphone vào máy tính bảng, chiếc máy tính bảng sẽ sạc rất chậm bởi bộ sạc có cường độ thấp hơn so với bộ sạc nguyên bản của máy tính bảng.

Nếu bạn cắm sạc của máy tính bảng vào smartphone, bạn không phải lo về nguy cơ cháy nổ. Điện thoại sẽ không sử dụng hết cường độ của bộ sạc nhưng đó không phải là vấn đề. Thậm chí, bạn còn có thể sạc điện thoại nhanh hơn trước.

Nói tóm lại, bạn hoàn toàn có thể sạc mọi thiết bị microUSB bằng bất kì bộ sạc microUSB nào. Dù vậy, trên thực tế có thể vẫn có những trường hợp ngoại lệ, đa phần là do thiết kế của nhà sản xuất.

Việt Dũng

Nguồn How To Geek

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến